Hiện tại, tôm hùm đất (có tên khoa học là Procambarus clarkii) được bày bán công khai tại các chợ và mạng xã hội với giá trên dưới 400 nghìn đồng/kg. Điều đáng nói, hầu hết tôm hùm đất được người dân nhập lậu về bán mà không biết tác hại. Đây là loài ăn tạp, thích đào hang sâu và có thể phá hoại mùa màng, làm hỏng hệ thống đê điều, xói mòn sông, suối và tiêu diệt các loài tôm, cá bản địa. Nguy hiểm hơn, loài vật này là vật chủ lây truyền, phát tán nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, như: Bệnh đốm trắng, nấm trên tôm và một số bệnh cho động vật có vú.
Nhiều người hiện đang mua bán sinh vật ngoại lai này vẫn chưa biết đến thông tin quan trọng rằng hiện tại vận chuyển tôm hùm đất nhập khẩu vào Việt Nam là phạm pháp. Bất chấp lệnh cấm vì tôm hùm đất có nguy cơ xâm hại lớn cho ngành nông nghiệp trong nước, tình trạng rao bán tôm hùm đất vẫn tràn lan và rất nhộn nhịp trên mạng xã hội. Loại tôm này vẫn xuất hiện rầm rộ trên các trang mua bán, chỉ cần vào các group mua bán hải sản gõ "tôm hùm đất", có rất nhiều tài khoản đang rao bán với giá từ 320.000 – 370.000 đồng/kg và đảm bảo là hàng tươi sống.
Theo những người mua bán, tôm hùm đất có nguồn gốc từ Trung Quốc mùa vụ từ tháng 5 - 11, nên số lượng nhập về nhiều và được thổi phồng là “đặc sản” với thịt ngọt, dai chẳng khác gì tôm hùm trong nước. Thực tế, hiện nay một số nhà hàng ở các thành phố lớn vẫn nhập khẩu loại tôm này về bán quanh năm. Đặc biệt, những con tôm này được bày bán vẫn còn sống và người bán khẳng định rằng chúng có thể sống trong bể nước một tuần mà không gặp vấn đề gì. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, tôm hùm đất không được phép nhập khẩu để nuôi hoặc làm thực phẩm. Cục Thủy sản và Cục Thú y khẳng định chưa cấp phép nhập khẩu cho lô hàng tôm hùm đất nào.
Bộ NN&PTNT đã từng có công văn hỏa tốc yêu cầu các tỉnh, thành và cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn, truy quét. Bộ yêu cầu nếu phát hiện phải tiêu hủy ngay, đồng thời xử nghiêm các hành vi buôn bán để tránh phát tán loại sinh vật ngoại lai này ra môi trường. Theo các chuyên gia thủy sản, tôm hùm đất có thể trở thành đại họa của ngành nông nghiệp.
Để kịp thời ngăn chặn và quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu mặt hàng tôm hùm đất bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, ngày 19/6/2024 Tổng cục Hải quan có Công văn số 2842 gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc tăng cường kiểm soát tôm hùm đất. Đây được xem là một biện pháp thiết thực nhằm bảo vệ môi trường và sản xuất nông nghiệp trước nguy cơ xâm hại của tôm hùm đất.
Ngành chức năng cần tuyên truyền sâu rộng để người tiêu dùng nâng cao ý thức, không mua hoặc sử dụng tôm hùm đất nhập lậu, phản ánh hành vi vi phạm cho cơ quan chức năng nếu phát hiện.
Những bài học từ sinh vật ngoại lai
Trước đây, một số tỉnh như Ninh Bình, Phú Thọ và Hà Nam từng nhập khẩu loài tôm này để nuôi thử nghiệm. Tuy nhiên, trước những tác hại nguy hiểm của tôm hùm đất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã đưa vào danh mục sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu và không phát triển nuôi, nhân giống; nếu phát hiện phải tiêu hủy ngay, đồng thời xử nghiêm các hành vi mua bán, phát tán loại tôm này ra môi trường.
Tại Phụ lục IV ban hành kèm Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 4/4/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều về biện pháp thi hành Luật Thủy sản thì tôm hùm đất (Procambarus clarkii) không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài ra, Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí xác định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại thì Procambarus clarkii thuộc danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.
Nhiều quốc gia đã có quy định cấm nuôi, nhân giống tôm hùm đất. Một số nước cho phép nuôi thường vì mục đích kinh tế và có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhưng đi kèm là các quy định quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Không chỉ có tôm hùm đất, trước đây chúng ta đã từng trả giá khi nuôi những sinh vật ngoại lai gây hại cho môi trường, như ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, tôm càng đỏ. Những loài động vật này đều có đặc điểm chung là ăn tạp, sinh sản nhanh, thích nghi với nhiều môi trường sống khác nhau, phá hoại mùa màng, lây nhiễm các dịch bệnh nguy hiểm cho cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, loài tôm hùm đất còn nguy hại hơn những sinh vật ngoại lai nêu trên bởi đặc tính bò rất nhanh, phát tán rộng, khó tiêu diệt và khả năng phá hoại mùa màng mạnh hơn ốc bươu vàng nhiều lần.
Theo Nghị định số 37 ngày 4/4/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26, tôm hùm đất không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Theo Nghị định 38/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, người nào có hành vi nhập khẩu giống thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng, kèm theo các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tái xuất giống thủy sản, trường hợp không thể tái xuất thì buộc tiêu hủy giống thủy sản. Ngoài xử phạt hành chính, việc nhập khẩu phát tán các loài ngoại lai xâm hại cũng có thể đối diện với xử phạt hình sự.
Việc Tổng cục Hải quan ban hành văn bản yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan, Đội kiểm soát hải quan phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu tôm hùm đất, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn hành vi vận chuyển trái phép mặt hàng này vào Việt Nam được xem là giải pháp thiết thực, thể hiện sự thực thi nghiêm minh các quy định về nhập khẩu và mua bán thủy sản. Qua đó, góp phần bảo vệ tính đa dạng sinh học bản địa và sức khỏe cộng đồng, tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp của nước ta. Tuy nhiên, để những giải pháp này thật sự có hiệu quả, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức, kiến thức và chủ động nói không với tôm hùm đất nhập lậu, kịp thời phát hiện, phản ánh các hành vi vi phạm mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép tôm hùm đất cho cơ quan chức năng, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền đến từng khu dân cư, nhất là các khu vực giáp biên về tác hại của loài vật này.
Không chỉ ngành Hải quan mà các ban, ngành đoàn thể từ Trung ương đến các địa phương và mỗi người dân cần vào cuộc mạnh mẽ, chung tay ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến tôm hùm đất.
Hải Đăng